Lượt xem: 27453

Suy nghĩ về xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu ở các cơ quan đủ sức đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý trong tình hình mới hiện nay

Cán bộ tham mưu có vị trí, vai trò rất quan trọng trong mỗi cơ quan và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Song, tham mưu là công việc khó, để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ làm công tác tham mưu phải nhạy bén, sáng tạo; phải vừa “hồng”, vừa “chuyên”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

 

    Theo từ điển Tiếng Việt, tham mưu là “hiến kế, kiến nghị, đề xuất, đưa ra các ý tưởng độc đáo, sáng tạo, có cơ sở khoa học, các sáng kiến, các phương án tối ưu, những chiến lược, sách lược và các giải pháp hữu hiệu cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc đặt ra và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác ngắn hạn, dài hạn, hằng năm của cơ quan, đơn vị nhằm đạt kết quả cao nhất”. Còn theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ tham mưu có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của các cơ quan, tổ chức. Đó là người tư vấn, giúp cán bộ lãnh đạo nắm được tình hình để có những quyết sách đúng đắn trong hoạt động lãnh đạo, quản lý của mình.

    Ngày xưa, người làm tham mưu được gọi là các quân sư, các mưu sĩ, là những người hiến kế cho nhà vua, cho thủ lĩnh trong trận mạc đề ra các kế hoạch tấn công tác chiến. Ngày nay, tham mưu là một loại nhiệm vụ mang tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức phục vụ cho lãnh đạo trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các quyết định. Do vậy, mỗi cơ quan, đơn vị tuy có quy mô, lĩnh vực hoạt động rộng, hẹp khác nhau, nhưng không thể thiếu cán bộ, công chức tham mưu cho lãnh đạo.

    Trong thực tế, công tác tham mưu có hai loại: Tham mưu sự vụ và tham mưu chiến lượcTham mưu sự vụ là tham mưu giải quyết các công việc hằng ngày, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong khuôn khổ các chính sách, quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước hay của cơ quan, đơn vị. Tham mưu chiến lược là tham mưu để đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của cơ quan, đơn vị ngày một chất lượng hơn; hoặc tham mưu để hoàn thiện chính sách, pháp luật hiện hành hay xây dựng chính sách và pháp luật mới để đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và lợi ích của nhân dân.

    Với quan niệm trên, công tác tham mưu không đơn thuần là giúp việc cho lãnh đạo, “bảo sao làm vậy” mà còn là người phụ trách một mảng công việc trong cơ quan, đơn vị. Do đó, bản chất của tham mưu còn là tham dự, hiến kế, đưa ra ý tưởng sáng tạo, khoa học mang tính chỉ đạo để gợi ý, đề xuất cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị dựa vào đó để đưa ra quyết định. Đồng thời, tham mưu còn là chỉ đạo thực hiện các quyết định thuộc lĩnh vực mình đảm trách. Vì vậy, trình độ, năng lực chuyên môn của người tham mưu có ý nghĩa quyết định hiệu quả công việc. Nếu người tham mưu có năng lực hạn chế hoặc vì động cơ không đúng đắn có thể tham mưu sai, gây hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

    Để hoàn thành trọng trách được phân công và vai trò tham mưu của mình, cán bộ tham mưu cần đạt các yêu cầu sau đây:

    Thứ nhất, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, chính kiến rõ ràng, tâm huyết và có trách nhiệm với công việc, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân; có phẩm chất đạo đức trong sáng, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, tinh thần tận tụy, trung thực, nghiêm túc trong công tác; có tính chủ động, độc lập, thích ứng cao trong công việc. Đặc biệt là không tham vọng quyền lực, vụ lợi, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ mà cấp trên phân công; đồng thời, biết từ chối khi nhiệm vụ đó không thuộc lĩnh vực chuyên môn hay phạm vi mình phụ trách.

    Thứ hai, cán bộ tham mưu phải đáp ứng yêu cầu về trình độ, năng lực phù hợp với vị trí việc làm; có tầm nhìn xa, trông rộng và phương pháp làm việc khoa học; có năng lực phân tích, dự báo tình hình để đề xuất kế hoạch, phương án giải quyết vấn đề cho tập thể lãnh đạo hay cấp có thẩm quyền quyết định kịp thời. Trong tình hình hiện nay, khi thực tiễn diễn biến nhanh chóng, phức tạp, luôn xuất hiện những vấn đề mới, đòi hỏi cán bộ tham mưu phải chủ động phát hiện, mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi để phát huy thuận lợi, tranh thủ thời cơ, hạn chế khó khăn, thách thức. Muốn vậy, cán bộ tham mưu phải có kiến thức lý luận và thực tiễn, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm với đề xuất của mình, vì lợi ích chung.

    Thứ ba, cán bộ tham mưu ở lĩnh vực nào phải thật sự là những chuyên gia về lĩnh vực đó. Muốn vậy, một mặt, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải quy hoạch đào tạo, tuyển dụng, bố trí đúng những người có trình độ chuyên môn, năng lực, sở trường theo yêu cầu của vị trí việc làm trong cơ quan, đơn vị. Mặt khác, là cán bộ tham mưu, cán bộ, công chức phải thường xuyên, tự giác nghiên cứu, học tập, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ và những kiến thức liên quan thuộc lĩnh vực công tác được giao để nâng cao trình độ tham mưu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

    Thứ tư, phải là người có khả năng dự báo, chỉ đạo, điều phối công việc. Các đề xuất với lãnh đạo phải đảm bảo: Trung thực, đúng lúc, chính xác với tình hình thực tế đang diễn ra; không định kiến, hẹp hòi; không cảm tính, nể nang. Có như vậy mới giúp lãnh đạo đề ra các quyết định kịp thời để giải quyết những vấn đề đang hay sẽ xảy ra trong tương lai trên các lĩnh vực. Đây là một trong những nguyên tắc, yêu cầu cơ bản đối với người làm công tác tham mưu trong các cơ quan, đơn vị.

    Tóm lại, phẩm chất và năng lực của cán bộ tham mưu ở bất cứ lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nào cũng phải: Bản lĩnh, trung thành, trí tuệ, tận tụy, thẳng thắn, trung thực, không cá nhân chủ nghĩa, vụ lợi.

    Nhìn lại công tác tham mưu của cán bộ, công chức ở các cơ quan trong tỉnh thời gian qua, chúng ta có nhận xét chung là: trình độ, năng lực của cán bộ tham mưu cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ cho lãnh đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đặc biệt là đối với những vụ, việc liên quan tới phạm vi công việc được phân công cũng như việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.  

    Tuy nhiên, cũng thẳng thắn nhận thấy rằng: Chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu ở các cơ quan trong tỉnh nói chung không đồng đều, năng lực tham mưu còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Việc tham mưu của cán bộ, công chức chủ yếu trong phạm vi công việc được phân công, chứ chưa có nhiều những tham mưu cho sự phát triển của cả hệ thống, nhằm tạo ra sự thay đổi có tính đột phá trong công việc. Khi có tình huống phát sinh trong công việc hằng ngày thì cán bộ, công chức thường báo cáo và chờ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo chứ chưa chủ động đề xuất giải quyết, thậm chí không biết phải làm thế nào trong tình huống này. Ở một số cơ quan, chưa có những chuyên viên thực sự có kinh nghiệm nghề nghiệp cao, đảm bảo tin cậy và được giao giải quyết những vụ việc quan trọng cần có ý kiến tham mưu, dự báo sâu sắc và toàn diện. Một số cán bộ tham mưu còn thuần túy làm công tác chuyên môn, giải quyết công việc sự vụ trong phạm vi phụ trách.

    Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là: Nhiều cấp ủy, người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu; việc tuyển chọn, bố trí cán bộ tham mưu có lúc chưa có sự nhất quán, trong khi đó, một số cán bộ có biểu hiện bằng lòng với công việc hiện tại, ít chịu khó đầu tư nghiên cứu, ngại đi học, làm việc theo kinh nghiệm, chưa có ý thức tự vươn lên để nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tình trạng “thừa” mà vẫn “thiếu” cán bộ tham mưu còn xảy ra ở từng bộ phận công tác của mỗi cơ quan.

    Để khắc phục tình hình trên và xây dựng được đội ngũ cán bộ tham mưu giỏi, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cần quan tâm một số việc sau:

    Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và những yêu cầu cần có của người cán bộ tham mưu trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, thực hiện quy hoạch, lựa chọn, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ tham mưu phù hợp từng vị trí việc làm trong cơ quan để phát huy sở trường của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ tham mưu đối với lãnh đạo. Đây là yêu cầu đầu tiên có tính quyết định đối với chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.  

    Thứ hai, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải theo quy hoạch, bảo đảm tiêu chuẩn vị trí việc làm và yêu cầu sử dụng cán bộ. Hơn nữa, việc đào tạo, bồi dưỡng cũng không nhất thiết chỉ có tại các cơ sở đào tạo, mà còn thông qua các hoạt động nghiên cứu thực tế ở cơ sở; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm...  theo các chủ đề gắn với lĩnh vực công tác của cán bộ, công chức. Bản thân cán bộ tham mưu phải xác định đúng đắn trách nhiệm công vụ, mục đích, động cơ học tập, từ đó có ý thức tự giác trong học tập và tự học, nổ lực rèn luyện để đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực và phương pháp, tác phong công tác tham mưu.

    Thứ ba, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo trong chỉ đạo và thực hiện công tác tham mưu của cơ quan, đơn vị, nhất là những nội dung tham mưu có tính trực tiếp tạo đột phá đối với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo phải biết lắng nghe, tạo điều kiện cho cán bộ tham mưu thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Đối với những nội dung tham mưu có giá trị, có tính mới, đột phá, mang lại hiệu quả cao cần được tạo điều kiện để những tham mưu đó được thực hiện trong thực tiễn. Qua đó để đánh giá “bản lĩnh”, “tài năng” của cán bộ tham mưu. Đồng thời, có biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những vi phạm của cán bộ tham mưu, nhất là những vi phạm về trách nhiệm thực thi công vụ, về thực hiện các quy định của cơ quan, đơn vị, của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nói chung.

    Thứ tư, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ phận, cơ quan có liên quan đến những nội dung tham mưu có tính mới, sáng tạo, mang tính đột phá để thẩm định nhằm nắm được chính xác, tính hợp lý, không trái với chủ trương, quy định của Đảng và Nhà nước trước khi đề xuất, trình lãnh đạo hay cấp có thẩm quyền quyết định, nhất là đối với các cơ quan thuộc khối Đảng và đoàn thể.

    Tham mưu là lĩnh vực khó nhưng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cơ quan, tổ chức. Một cơ quan chỉ hoạt động có hiệu quả khi công tác tham mưu của cán bộ, công chức được thực hiện tốt theo vị trí việc làm của mình. Để có những tham mưu tốt, cán bộ, công chức phải ý thức được trách nhiệm của mình để làm việc, cống hiến; phải thực sự là cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên, góp phần phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cơ quan, đơn vị./. 

Kiên Trung



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 56
  • Hôm nay: 6031
  • Trong tuần: 76,738
  • Tất cả: 11,800,058